Được tạo bởi Blogger.

Game show lạm dụng chuyện đời tư

Theo chuyên gia, các chương trình Hàn Quốc hiện giờ thường khai thác chuyện đời tư để tăng lượng người theo dõi giữa bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.

Kể từ khi chương trình của đài MBC I Live Alone ra mắt năm 2013 và trở nên nổi tiếng, số show thực tế tập trung vào cuộc sống riêng tư của người nổi tiếng gia tăng. I Live Alone vẫn phát sóng ở hiện tại và cung cấp cho người xem cái nhìn cận cảnh, chân thực hơn về cuộc sống riêng tư của những người nổi tiếng độc thân. Qua đó, khán giả có cái nhìn khác vào đời sống vốn tưởng như rất hào nhoáng của các ngôi sao.

Xâm phạm cuộc sống riêng tư?

Gần một thập kỷ sau, những chương trình như vậy - được đặt tên là "chương trình thực tế quan sát" - tiếp tục phổ biến. Các đài truyền hình cố gắng tìm kiếm chủ đề mới và thậm chí mở rộng nhân vật tham gia chương trình. Thay vì chỉ mời người nổi tiếng, họ tìm tới các nhân vật hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Sự gia tăng số lượng khiến các chương trình phải cạnh tranh để tìm hiểu kỹ hơn về cuộc sống riêng tư của các nhân vật tham gia. Điều đó làm dấy lên lo ngại về việc xâm phạm quyền riêng tư và gây ra các phản ứng phụ, đặc biệt là đối với trẻ vị thành niên.

Các chương trình thực tế quan sát có nhiều chủ đề khác nhau, từ đời sống tình dục của các cặp đôi đã kết hôn trong Hôn nhân cam chịu, tình mẫu tử ở tuổi vị thành niên trong Cha mẹ tuổi teen đến cuộc sống của các cặp đã ly hôn trong Love Again.

Love Again bắt đầu lên sóng mùa thứ hai vào tháng 4. Phần đầu tiên lên sóng cuối năm 2020 đã nhanh chóng nổi tiếng. Chương mời các cặp ngôi sao đã ly hôn về sống chung một lần nữa. Chương trình tập trung về cuộc sống trước khi ly hôn của vợ chồng nổi tiếng, lý do chia tay và cách họ xác định lại mối quan hệ.

Sự tái hợp của một trong những cặp ngôi sao là ca sĩ Eli Kim (cựu thành viên nhóm UKiss) và nhân vật truyền hình Ji Yeon Soo thu hút sự chú ý của người xem. Một cảnh quay cho thấy con trai của hai người bám lấy cha sau thời gian dài xa cách và cầu xin cha mẹ sống cùng nhau. Chương trình đạt được tỷ suất người xem cao nhất là 7% chỉ sau khoảng 4 tập của mùa 2.


Chương trình truyền hình thực tế Love Again theo chân các cặp nổi tiếng đã ly hôn, chẳng hạn Eli và Ji Yeon Soo. Trong chương trình, họ đoàn tụ và sống chung.

Chương trình hẹn hò thực tế Những người độc thân ly hôn kể về những người đã ly hôn và đang có cơ hội khác để tìm kiếm tình yêu. Chương trình xoay quanh toàn bộ quá trình trở thành một gia đình của cặp nghệ sĩ, khi họ chuẩn bị đám cưới và gặp gỡ gia đình nhau.

Có những khoảnh khắc giật gân hoặc rơi nước mắt trong chương trình, chẳng hạn khi ê-kíp ghi lại cảnh hai nhân vật sống cùng nhau và quá trình con riêng hình thành sợi dây gắn kết với cha dượng. Từ đó, mọi người tìm thấy hạnh phúc trong cuộc hôn nhân mới.

Nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Hern Sik nói việc thực hiện các chương trình thông qua nhân vật nhí có khả năng dẫn đến các vấn đề riêng tư khác nhau trong tương lai vì họ chưa đủ tuổi để tự quyết định.

Ông nói: "Cha mẹ của các nhân vật nhí có thể đồng ý nhưng con cái không phải tài sản của họ. Vì vậy, vấn đề đặt ra là liệu các chương trình có trẻ em có thực sự cần thiết hay không".

Ông cũng chỉ ra rằng các chương trình có quảng cáo sản phẩm thường khiến người xem tin rằng nhân vật thực sự sử dụng sản phẩm đó trong cuộc sống hàng ngày. Việc này đe dọa đến yếu tố "thực tế" của các chương trình vì nó có thể gây hiểu lầm cho người xem.

"Nhiều khả năng việc quảng cáo sản phẩm làm lu mờ tính xác thực của các chương trình vốn có định dạng thực tế. Trong nhiều trường hợp, các nhân vật sẽ sử dụng sản phẩm được quảng cáo hoặc ghé thăm một địa điểm mà họ thường không sử dụng hoặc lui tới nếu không quay chương trình. Tuy nhiên, khi xem chương trình, người xem có cảm giác những sản phẩm đó như một phần trong cuộc sống của các nhân vật", ông nhận định.

Các nhân vật trở thành mục tiêu công kích

Chuyên gia chỉ ra điều đáng lo ngại nhất trong bối cảnh mảng truyền hình cạnh tranh căng thẳng là nhiều chương trình để tăng tỷ suất người xem sẽ cố khai thác đời sống cá nhân của các nhân vật và bỏ qua mục đích ban đầu.

Dàn thí sinh của Cha mẹ tuổi teen được chú ý sau khi người mẹ bị tố ngược đãi cha và em bé trong gia đình. Khi chương trình thực tế ngày càng khai thác sâu vào cuộc sống của nhân vật, những vấn đề riêng tư đã trở thành mục tiêu công kích của công chúng.

Vợ của ca sĩ nổi tiếng Im Chang Sung là Seo Ha Yan được chú ý vào tháng 3 sau khi cô xuất hiện lần đầu trước công chúng trong chương trình thực tế Same Bed, Different Dreams 2. Đây là chương trình tập trung vào cuộc sống của các vợ chồng nổi tiếng.

Ngay sau khi Seo Ha Yan tham gia chương trình, hành động của cô bị công chúng soi mói. Một bức ảnh cô đăng trên mạng xã hội trở thành mục tiêu công kích. Công chúng chỉ trích Seo Ha Yan vì chụp ảnh tự sướng khi lái xe và bỏ mặc các con trong xe không thắt dây an toàn. Phản ứng của khán giả khiến cô phải đưa ra lời xin lỗi chính thức.


Hình ảnh trong chương trình Cha mẹ tuổi teen.

Các thành viên của Cha mẹ tuổi teen đã gây tranh cãi vào tháng 4 khi một ông bố trẻ của chương trình tiết lộ trên mạng xã hội rằng vợ đã đe dọa anh và đứa con mới sinh của họ bằng một con dao.

"Đội ngũ của chúng tôi đang cố gắng không thiên vị và hỗ trợ cặp đôi đạt được một giải pháp thân thiện", nhóm sản xuất của chương trình cho biết. Tuy nhiên, chương trình đã khiến người xem phẫn nộ khi phát sóng các tập tiếp theo. Thay vì giải quyết mâu thuẫn, chương trình lại khai thác sâu hơn cuộc chiến giữa hai người và các vấn đề của họ.

Một người xem truyền hình 29 tuổi, họ Choi, cho biết cô bắt đầu đặt câu hỏi về mức độ phù hợp của các chương trình thực tế ngày nay.

"Tôi bắt đầu tránh xem những chương trình đó vì cảm giác chúng ngày càng trở nên khiêu khích. Khi xem chúng, tôi tự hỏi liệu mình có thực sự cần biết những vấn đề riêng tư, cá nhân đó không. Ngoài ra, các chương trình tuy có chủ đề khác nhau, nhưng định dạng lại giống nhau, vì vậy tôi đã mất hứng thú", Choi nói.

Nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Hern Sik lưu ý ngành công nghiệp truyền hình sẽ tiếp tục tung ra những chương trình như vậy. "Không có lựa chọn nào khác khi các đài truyền hình và nền tảng cạnh tranh với nhau bằng các chương trình thực tế", ông nói.

"Hiện tại chương trình ca nhạc và chương trình quan sát là hai định dạng chính phổ biến nhất trong số các chương trình truyền hình. Miễn mọi người tìm kiếm show có yếu tố chân thực, các chương trình quan sát sẽ tiếp tục ra mắt cho dù chủ đề nào. Chưa kể, những chương trình định dạng đó rất tiện lợi, tiết kiệm chi phí lại dễ dàng chèn quảng cáo sản phẩm. Vì vậy họ tiếp tục thực hiện chúng", ông nhấn mạnh.

Theo Zing.vn
Bài viết đóng góp, xin gửi về: media@goldstar.com.vn