Được tạo bởi Blogger.

Chữ Tâm, chữ Đức của Người Thầy kết hợp chuyên môn cao, THPT Đầm Dơi trở thành điểm sáng trong công tác đào tạo giáo dục

38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, và cũng là khoảnh khắc 40 năm Trường THPT Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, Tỉnh Cà Mau vươn lên từ huyện vùng sâu vùng xa trở thành Trường giữ vững vị thế chuẩn Quốc gia về chất lượng đào tạo giáo dục. Ánh mắt tin yêu, sự tiến bộ, trưởng thành của từng học trò qua mỗi bài giảng, giờ học… là món quà vô giá, đầy ý nghĩa đối với thầy cô nơi đây.

Chữ Tâm, chữ Đức của Người Thầy kết hợp chuyên môn cao, THPT Đầm Dơi trở thành điểm sáng trong công tác đào tạo giáo dục.

Được thành lập từ 1980, đến nay Trường THPT Đầm Dơi đã trở thành thương hiệu, khẳng định được vị thế của mình. Tuổi 40, Thầy và trò Trường THPT Đầm Dơi cùng ôn lại truyền thống vinh quang và tự hào, giữ vững ngọn lửa hiếu học tại miền quê nơi cực Nam cuối trời Tổ quốc. Từ những ngày gian khó nhất, trường luôn phấn đấu vượt qua. Để đến ngày hôm nay, qua 38 thế hệ học sinh, trường không ngừng lớn mạnh, trở thành một trong những ngôi trường có chất lượng đào tạo bậc nhất trong tỉnh Cà Mau.


Thầy Nguyễn Sơn Trường - Hiệu trưởng đầu tiên của THPT Đầm Dơi chia sẻ cảm xúc ngày trở về nhìn trường tròn tuổi 40: "Ngày ấy năm 1980 tôi được điều động về Đầm Dơi, với chiếc ba lô, cái nón cối, và đôi dép râu. Trường ngày đó, chỉ có 19 học sinh, 5 thầy cô giáo. Sách vở không có, bàn ghế đóng bằng những cây đước. Và chúng tôi thực hiện theo chỉ đạo 'Số lượng ít cũng dạy'. Chúng tôi đã sống bằng hạt gạo Đầm Dơi, bông súng Đầm Dơi, thả lưới, thả cá ở Đầm Dơi để kiếm sống. Tôi nhớ và thương những đứa học trò ở xa đi xuồng đến để dựng chòi để học được cái chữ. Tôi tự hào về THPT Đầm Dơi, ngày trở về, tôi quá hạnh phúc khi nhìn thấy sự trưởng thành của trường, của cả thầy và trò".


Những năm gần đây, trường có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT từ 98-100%, tỷ lệ đại học thuộc top cao so với nhiều trường, không những trong tỉnh mà còn trong khu vực. Từng là Hiệu trưởng suốt 25 năm gắn bó với mái trường THPT Đầm Dơi (1987 - 2012), Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ái chia sẻ: "Để có được thành tích đó: Kinh nghiệm thực tiễn chính là vấn đề giải quyết bài toán con người, đội ngũ. Xây dựng được tập thể sư phạm mạnh, đoàn kết. Truyền thống hiếu học giúp chúng tôi có thêm niềm tin, khai phá điều tốt đẹp".


Theo đó, quyết tâm, đoàn kết làm nên thành công, Trường THPT Đầm Dơi đã đi đúng hướng khi chọn sự vững mạnh của tập thể sư phạm làm nòng cốt. Các thầy cô giáo không những đủ khả năng về chuyên môn, mà bằng chữ Tâm, chữ Đức của người Thầy đã kết thành niềm tin, tạo cảm hứng phấn đấu cho học sinh. Song song đó, nhà trường luôn chủ động trong xây dựng kế hoạch, đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn, tham gia các hoạt động trên trường học kết nối, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá học sinh, tập trung tổ chức các hội thi liên quan chuyên môn, và tham gia các phong trào thi đua, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, bổ trợ cho phát triển và kinh nghiệm quản lí chuyên môn. "Người đi trước dìu dắt người đi sau, người đi sau thì cố gắng hơn nữa để thắp lên ngọn lửa hiếu học, truyền thống của nhà trường", cô Trịnh Hải Minh Tổ trưởng tổ Văn và cũng là cựu học sinh của trường đã tiếp nối thầy cô tiếp tục hành trình "trồng người" - cho biết.


Kể về những ngày xưa của mình từ những ngày còn là học trò ở trường, thầy Võ Hoàng Anh - Tổ trưởng tổ Bộ môn Vật lí cho biết: "Chúng tôi cất nhà quanh trường để được đi học. Từ đó thấy được bao đổi thay, chứng kiến được bao gian khó, thiếu thốn từ giáo viên đến cơ sở vật chất. Cuộc sống kham khổ là vậy nhưng những người thầy mà chúng tôi tôn kính chưa bao giờ kêu ca, than thở. Các thầy vẫn dạy bằng trái tim, lòng nhiệt huyết tuổi trẻ của mình". Bây giờ, thầy Hoàng Anh vẫn giữ lửa và truyền lại ngọn lửa hiếu học, yêu nghề cho các thế hệ tiếp theo. Nhưng thầy vẫn không bao giờ quên được: "Nếu không có những người thầy ngày ấy, thì sẽ không có thế hệ chúng tôi ngày hôm nay".


Cũng từng là học sinh dưới mái trường, và về trường tiếp tục "sự nghiệp đưa đò", cô Liên Hồng Vẹn không giấu được những cảm xúc của mình khi kể về những hy sinh, những nỗ lực phi thường của thầy cô đã cho học sinh những bước đi đầu đời thật vững chãi. Cô luôn tự hào vì đã gắn bó với trường hơn 20 năm, được lớn lên, trưởng thành, và chứng kiến những đổi thay tại ngôi trường của mình. Cô và niềm tin cùng các thế hệ thầy cô, học sinh sẽ tiếp tục vững tin với những yêu thương và trách nhiệm.


Thầy Võ Thanh Hùng - Hiệu trưởng hiện tại của THPT Đầm Dơi cho biết: "Trong 40 năm hình thành, phát triển có nhiều thế hệ thầy cô giảng dạy và làm việc tại trường nhưng dù có đi đâu, ở đâu thì trong miền ký ức của thầy cô vẫn tự hào vì đã gắn bó với mái trường THPT Đầm Dơi. Rất nhiều thầy cô chuyển công tác, có thầy ở hơn nữa vòng quả đất nhưng trong trái tim vẫn dành một phần tình cảm cho ngôi trường và học sinh nơi này, thật cao cả, thiêng liêng.

Nhà trường xây dựng chiến lược phát triển hướng đến đạt chuẩn mức 2 với cơ sở vật chất tốt hơn, trang thiết bị tốt hơn và đội ngũ giáo viên, chất lượng giáo dục tốt hơn để tương lai nâng tầm phát triển bền vững, sánh vai với các trường chất lượng cao trong cả nước".


Thầy Võ Thanh Hùng cũng khẳng định việc giáo dục và đạo tạo con người, khó khăn vất vả gấp vạn lần so với trồng cây vào đất. Là người con của quê hương Đầm Dơi, là lãnh đạo nhà trường thế hệ kế tiếp, "Tôi xin tri ân những thầy cô từng là cựu lãnh đạo, giáo viên, nhân viên qua các thời kỳ. Cám ơn các thầy cô đã lao tâm, khổ trí, dành hết tình thương cho đàn em thân yêu, dành hết tâm huyết vì sự phát triển của nhà trường. Cám ơn các thầy cô đã đã khơi dậy tinh thần hiếu học để con em Đầm Dơi vững bước đến trường, vượt qua gian khó".

Ivan Nguyen
Bài viết đóng góp, xin gửi về: media@goldstar.com.vn